Thần núi ở đâu? Mình không biết, nhưng người dân bản địa luôn tin rằng mỗi rừng đều có thần núi cai quản, vậy nên hầu hết các dân tộc gắn bó với rừng từ bắc tới nam thường sẽ có một khu gọi là “Rừng Cấm”. Ở đó, người ta dựng miếu xây đền và không chặt cây xung quanh miếu, trai gái không đưa nhau vào đó hẹn hò, bởi vậy khu rừng cấm lúc nào cũng rậm rạp, ít người dám lui tới.
Ma rừng có hay không? Mình cũng không biết, nhưng hầu hết dân bản địa đi rừng đều tin rằng có con ma rừng. Những người đi rừng thuở xưa rất kiêng gọi tên những con thú, nhất là thú dữ, như hổ. Người ta sẽ gọi là ngài, ông để ám chỉ vì theo quan niệm khi gọi tên con thú nào thì con thú đó sẽ xuất hiện. Vậy nên hổ sẽ được gọi là ông, rắn sẽ gọi là dây, gạo sẽ gọi là mễ,…
Người ta cũng kiêng kỵ, không nói những câu mang tính báng bổ hoặc vô tình như “tao muốn sống ở đây cả đời; nhà tao đây rồi,…” bởi có thể sau đó là bạn sẽ ngã vực chết. Tuyệt đối không thề thốt bất cứ một lời nào trước và sau khi ra khỏi rừng bởi bạn sẽ chẳng bao giờ thực hiện được điều đó. Khi đi rừng, người ta cũng tránh nói ồn ào, cứ lặng lẽ mà đi. Nếu cách xa nhau một đoạn thì hãy hú, đừng gọi tên nhau vì theo quan niệm người xưa thì những linh hồn sẽ biết tên bạn và gọi dẫn bạn đi.
Ngày nay, niềm tin và nỗi sợ hãi các vị thần linh hay ma rừng vẫn còn hiện hữu trong những người dân bản địa gắn liền với rừng. Các vị thần hay ma rừng có hay không, điều đó không quan trọng bởi góc nhìn, niềm tin mỗi người mỗi khác, người cho là có – kẻ cho là không. Nhưng hơn hết, đó là nét truyền thống ngàn đời nay của hầu hết các dân tộc sống cùng rừng.
Chúng ta sống ở phố, chắc gì đã hiểu hết về phố, thì nói gì hiểu hết những thứ về rừng khi mà một năm chỉ đi vài chuyến. Những điều không tin, không có nghĩa là nó không tồn tại. Hãy tôn trọng và tuân theo những luật lệ ngầm của rừng, của thiên nhiên, của người xưa để lại. Bởi trong một chuyến đi nào đó đầy mệt mỏi, bạn dừng lại nghỉ ngơi thì có thể dưới chân bạn là một…nấm mồ.