“Rừng Khộp không phải rừng của một loài cây tên Khộp”, mà là một kiểu rừng đặc trưng với các cây thuộc họ Dầu lá rộng (dầu lông, dầu rái, dầu trà beng,…) và nhiều cây khác như le, bằng lăng, dây leo chiếm ưu thế. Kiểu rừng khá thưa và thoáng này thường phân bố ở những vùng có khí hậu phân biệt thành hai mùa mưa, khô rõ rệt.
Vào mùa khô, rừng Khộp trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt khiến những người lần đầu đến thăm có thể ngỡ rằng đó là khu rừng chết. Ở Việt Nam, kiểu rừng này khá phổ biển ở miền Nam và Tây Nguyên như VQG Yok Don, Phan Dũng,… Chính vì cây lá rụng nhiều, ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc nên loại rừng này rất dễ cháy vào mùa khô.
Tuy nhiên, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Trong rừng khộp, có nhiều loài hạt vỏ quá dày, khi rụng xuống đất không tự nảy mầm được. Lửa sẽ đốt giúp hạt nở ra, hoặc cháy lớp vỏ ngoài. Khi hạt đã nứt, gặp cơn mưa thì nó nảy mầm ngay, các cây le cũng bắt đầu lên măng non. Chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại. Những cây Dầu với thân cây được bảo vệ bởi một lớp vỏ dác dày, bền bỉ chịu được sức nóng của ngọn lửa cũng bắt đầu này mầm mới.
Trong suốt mùa mưa, cây cối trong rừng Khộp phát triển mạnh và tươi tốt mà không phải kiểu rừng nào cũng phục hồi nhanh như vậy. Qủa thật, khó có ngọn lửa nào tận diệt được rừng Khộp!