Độc tố luôn tồn tại trong từng bộ phận của cây rừng. Nên với những loại cây ăn được bạn cần phải sơ chế kỹ.
- Măng cần luộc kỹ để khỏi đắng
Mùa mưa là mùa măng mọc. Có những loài măng từ tre, nứa…sau khi luộc có thể ăn được. Tuy nhiên, nếu đó là măng le, bạn không biết cách sơ chế thì ăn sẽ rất đắng. Le mọc nhiều ở rừng khô, ven suối. Với loài măng này chúng ta có hai cách sơ chế, có thể luộc kỹ, luộc lâu để bớt đắng hoặc đổ nước luộc đầu, thêm nước và luộc lần hai. Như thế sẽ không bị đắng nữa!
- Sơ chế lá, đọt non thù lù đực
Các bạn nhớ phân biệt được cây tầm bóp và cây thù lù nhé. Nhìn qua, rất giống nhau nhưng khi có quả thì tầm bóp dạng quả tròn có bao chùm; thù lục đực có hạt tròn, chín màu đen, không có bao chùm. Với thù thù đực, quả xanh và phần ngọn ít độc tố, không gây nguy hiểm nhiều. Nhưng chúng ta phải sơ chế để tránh bị đắng nhé – nên luộc kỹ. Mình có lời khuyên là những gì đắng nên luộc hai lần nước, sẽ bớt đắng rất nhiều.
- Các loại lá chua, vò nhẹ – ít chua; vò nát – chua nhiều
Có bao nhiêu cây mà lá vị chua? Nhiều lắm các bạn nhé, có thể kể qua như lá giang, thu hải đường, bụp gai, giang đá. Các bạn có thể kiểm soát được vị chua của lá thông qua việc vò nát. Nếu muốn ít chua thì hãy giữ nguyên, nếu muốn chua nhiều thì hãy vò nát, khi nấu sẽ hợp với khẩu vị của bạn.
- Bắp chuối ngâm muối khỏi đen
Bắp chuối rừng khi đi dã ngoại là món ăn tuyệt vời. Chúng ta có thể xào, làm gỏi, …và để chuối thái ra không bị đen, các bạn hãy ngâm chuối vừa thái xong vào nước muối.
Bài viết khuyến cáo người chưa biết rõ về rau rừng thì không nên thử nhé, mọi sự nhầm lẫn đều dẫn đến những hệ lụy không tốt. Tuyệt đối không ăn, không thử, không nếm khi chưa biết rõ là cây gì. Với những loài cây biết rồi, vẫn phải sơ chế đúng cách.